Tin tức

Thông báo

Hội thảo khoa học “Những vấn đề đặt ra trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”

01/11/2023
Hội thảo khoa học “Những vấn đề đặt ra trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”

Sáng ngày (31/10/2023), tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ban Chủ nhiệm chương trình KX.01/21-30 đã tổ chức Hội thảo khởi động cho Chương trình với chủ đề: “Những vấn đề đặt ra trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”. Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin, trao đổi một cách toàn diện, đầy đủ nội dung, mục tiêu định hướng của Chương trình KX.01/21-30 tới các tổ chức có chức năng nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học trong cả nước.

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu ngoài trường có TS. Hoàng Xuân Hòa - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; PGS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Về phía Bộ Khoa học & Công nghệ có TS. Lê Yên Dung - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên; ông Lê Tài Dũng - Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước; TS. Chu Thị Thuỷ Chung - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính. Về phía Ban chủ nhiệm chương trình KX.01/21-30 có GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD, Chủ nhiệm; GS.TS Nguyễn Đông Phong - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHKT TP. HCM, Phó Chủ nhiệm; PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên; PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG TP. HCM, thành viên; PGS.TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng phòng QLKH, Trường ĐH Ngoại thương, thành viên; GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng QLKH, Trường ĐH KTQD, thư ký chương trình.

Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT, nguyên Chủ nhiệm Chương trình KX01; PGS.TS Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn trường; cùng các thành viên Hội đồng KH&ĐT, Thành viên Hội đồng tư vấn; lãnh đạo các Khoa, Viện và Trung tâm; các giảng viên; các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài trường.

Về phía Trường Đại học Thương mại có TS Trần Việt Thảo - Phó trưởng phòng Quản lý Khoa học và Đối ngoại tham dự Hội thảo.

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, TS. Lê Yên Dung - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ Khoa học & Công nghệ cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ “Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao". Nghị quyết nhấn mạnh Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế".

Chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội năm 2021 - 2030, cũng đã nêu rõ mục tiêu tổng quát là: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 đã đề ra các Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô.

TS. Lê Yên Dung nhấn mạnh, với những định hướng và chiến lược lớn đó, công tác nghiên cứu về mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới là nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần đưa ra những luận cứ khoa học và thực tiễn, giúp Việt Nam xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp, phục vụ cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Thay mặt Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.01/21-30, GS.TS Phạm Hồng Chương vui mừng chào mừng các quý vị đại biểu, các nhà khoa học đã tham dự Hội thảo ngày hôm nay. GS.TS Phạm Hồng Chương cho biết, ngày 20/6/2022, Bộ KH&CN đã ra Quyết định số 1031/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình khoa học xã hội và nhân văn cấp Quốc gia giai đoạn 2021-2030 “Nghiên cứu đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”, mã số KX01/21-30, theo đó, Chương trình tập trung giải quyết các vấn đề trọng điểm cấp quốc gia trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhằm đề xuất các chủ trương, chính sách, giải pháp, mô hình tăng trưởng mới để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời các nghiên cứu cần hướng đến các vấn đề mang tính dài hạn, xuyên suốt nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Kết quả nghiên cứu của Chương trình, một mặt phục vụ yêu cầu của quá trình quản lý điều hành kinh tế - xã hội và nền kinh tế theo định hướng và mục tiêu đã nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII cũng như định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2030. Mặt khác, kết quả của Chương trình sẽ củng cố, bổ sung và làm giàu nền tảng khoa học cho sự phát triển chung của khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta.

Để đảm bảo đạt được định hướng mục tiêu một cách hệ thống, hiệu quả, các nội dung Chương trình tập trung giải quyết cả các vấn đề cấp bách trước mắt lẫn vấn đề dài hạn, cả vấn đề hệ thống lẫn vấn đề cụ thể, đảm bảo có đóng góp giá trị khoa học trong xây dựng chính sách và thực tiễn quản lý và phát triển khoa học xã hội và nhân văn.

 

Chủ nhiệm Chương trình KX.01/21-30 GS. Phạm Hồng Chương nhấn mạnh, thông qua Hội thảo để khởi động cho Chương trình với chủ đề: “Những vấn đề đặt ra trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” ngày hôm nay, Ban tổ chức mong muốn chia sẻ và cung cấp thông tin, trao đổi một cách toàn diện, đầy đủ nội dung, mục tiêu định hướng của Chương trình KX.01/21-30 tới các tổ chức có chức năng nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học trong cả nước để rõ hơn về Chương trình, thủ tục, quy trình triển khai nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; cũng như các vấn đề trọng tâm nghiên cứu của Chương trình, góp phần giải quyết các vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới.